Thực hiện Kế hoạch hoạt động khoa học và công nghệ Trường Đại học Cần Thơ năm 2024 và nhu cầu của viên chức, nhà khoa học Trường ĐHCT tìm hiểu các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ trong và ngoài nước.

Nhằm giới thiệu công tác của JICA tại IP Việt Nam, cũng như giới thiệu kinh nghiệm hỗ trợ hoạt động sở hữu trí tuệ và nộp đơn xin cấp bằng sáng chế tại các trường đại học Nhật Bản.

Phòng Quản lý Khoa học phối hợp Ban Quản lý Dư án ODA tổ chức Seminar về Sở hữu trí tuệ: Kinh nghiệm từ Nhật Bản (Seminar on Intellectual Property: Experience from Japan) như sau:

  • Thời gian:   08g30 - 11g30 ngày 08/10/2024 - thứ Ba
  • Địa điểm:   Hội trường 3, lầu 7 Nhà Điều hành, Trường Đại học Cần Thơ
  • Ngôn ngữ:  tiếng Anh
  • Đối tượng:  Giảng viên, nhà nghiên cứu các đơn vị thuộc Trường Đại học Cần Thơ. Buổi Seminar có cấp chứng nhận tham dự.
  • Chương trình: đính kèm
  • Báo cáo viên: ông OGAWA Akira, Chuyên gia JICA - Cố vấn thẩm định sáng chế (CV đính kèm)
  • Nội dung: đính kèm. Nhằm hướng đến nội dung quý thầy cô quan tâm, báo cáo viên gửi toàn bộ slides đính kèm, quý thầy cô có thể xem qua và đặt câu hỏi trước trong GG Form đăng ký >> 'Đặt câu hỏi trước cho báo cáo viên'.

Ban Tổ chức trân trọng kính mời quý thầy cô quan tâm tham dự buổi Seminar qua đường dẫn: https://forms.gle/AndQm9w5K8yFhPcw8

Trân trọng.

Phòng Quản lý Khoa học
Trường Đại học Cần Thơ

 

Thực hiện kế hoạch của Dự án “Tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ tại các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng” do Trường Đại học Cần Thơ chủ trì, nay Trường Đại học Cần Thơ xây dựng Kế hoạch tổ chức Cuộc thi Sinh viên với quyền sở hữu trí tuệ dành cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố Cần Thơ. Cụ thể như sau:

1. MỤC ĐÍCH - YÊU CẦU:

- Tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ cho sinh viên các trường đại học/cao đẳng trên địa bàn thành phố Cần Thơ tiếp cận các quy định pháp luật hiện hành như Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung 2009, 2019 và 2022).

- Kiểm tra kiến thức về sở hữu trí tuệ; Kiểm tra hiểu biết về hoạt động sở hữu trí tuệ trong các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng; Kiểm tra cách thức xử lý tình huống liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ. Từ đó, nâng cao nhận thức cho sinh viên về sở hữu trí tuệ, tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ. Qua đó, từng bước hình thành văn hóa sở hữu trí tuệ trong cộng đồng.

- Trang bị cho các bạn sinh viên kiến thức về quyền sở hữu trí tuệ, cách tiếp cận và nhận biết quyền sở hữu trí tuệ trong nhà trường hiện nay nhằm góp phần thúc đẩy sự sáng tạo cũng như khai thác quyền sở hữu trí tuệ được tích cực hơn.

- Thiết thực hưởng ứng ngày Sở hữu trí tuệ thế giới hàng năm (26/04); hưởng ứng ngày Sách Việt Nam (21/4) và ngày Sách và Bản quyền thế giới (23/4); tiếp tục nâng cao nhận thức cho sinh viên về giá trị to lớn của quyền sở hữu trí tuệ cũng như việc tự giác thực hiện bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong quá trình học tập, nghiên cứu khoa học và trong cuộc sống.

- Tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho sinh viên có dịp gặp gỡ, giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong học tập và rèn luyện, đồng thời thu hút được sự chung tay bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường giáo dục ngày nay.

2. THỜI GIAN - ĐỐI TƯỢNG THAM GIA:

Thời gian: Từ ngày 18/5/2024 đến ngày 28/6/2024.

Đối tượng tham gia: Sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố Cần Thơ.

3. NỘI DUNG VÀ THỂ LỆ HỘI THI:

3.1. Nội dung thi: Hiểu biết về Luật Sở hữu trí tuệ và các quy định pháp luật về Sở hữu trí tuệ tại các trường đại học, cao đẳng. Ghi nhận cách xử lý tình huống liên quan về sở hữu trí tuệ. Các tài liệu tham khảo được đăng tải trên trang điện tử: https://shtt.ctu.edu.vn.

3.2. Hình thức thi:

- Hình thức thi cá nhân:

+ Cuộc thi tổ chức trực tuyến cho sinh viên của các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố Cần Thơ tham gia.

+ Thời gian: từ ngày 22/5/2024 đến ngày 05/6/2024.

+ Nền tảng Moodle qua link: https://shtt.ctu.edu.vn.

+ Sinh viên nhập thông tin cá nhân để thuận tiện khi xác định đối tượng thi và trao giải. Sinh viên truy cập tài khoản và được thi nhiều lần để cải thiện số điểm cũng như thời gian làm bài. Điểm được tính là điểm thi của lần cao nhất.

+ Hướng dẫn tham gia: xem tại đây.

- Hình thức thi tập thể:

+ Các đơn vị thành lập đội tham gia Cuộc thi, 03 thành viên/đội, tối thiểu 01 đội/ đơn vị.

+ Danh sách các đơn vị mời tham gia dự thi như sau:

A. Vòng loại:

- Thời gian: từ ngày 30/5/2024 đến ngày 05/6/2024.

- Các đội tham gia trực tuyến qua Google Form, mỗi đội trả lời 01 câu hỏi tình huống & 01 câu hỏi tự luận. Chọn 03 nhóm vào vòng Chung kết.

- Thang điểm: 20 điểm (giải quyết tình huống: 10 điểm; tự luận: 10 điểm).

* Lưu ý: các đội phải đảm bảo không có phần thi nào nào có điểm số dưới 5 điểm.

B. Vòng chung kết, xếp hạng: 03 đội tham gia thi đấu trực tiếp

- Thời gian dự kiến: bắt đầu từ 18g30, ngày 22/6/2024 – thứ Bảy.

- Địa điểm: Hội trường Rùa, Trường Đại học Cần Thơ Khu II, đường 3/2, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, Thành phố Cần Thơ.

- Các đội trải qua 03 vòng thi: Clip giới thiệu, Trả lời nhanh và Xử lý tình huống.

- Thang điểm: 50 điểm (Clip giới thiệu: 20 điểm; Trả lời nhanh: 20 điểm; Xử lý tình huống: 10 điểm).

- Ban Giám khảo: đại diện Sở Khoa học và Công nghệ Tp. Cần Thơ, Trường Đại học Cần Thơ, mời chuyên gia.

- Vòng Chung kết được livestream trên các kênh của Đoàn Thanh niên các trường cao đẳng, đại học.

4. GIẢI THƯỞNG

4.1. Cơ cấu giải thưởng Cá nhân

- 01 Giải Nhất:                700.000đ + Giấy khen
- 02 Giải Nhì:                  500.000đ + Giấy khen
- 03 Giải Ba:                   300.000đ + Giấy khen
- 10 Giải Khuyến Khích: 100.000đ + Giấy khen
- Có danh sách công nhận tham gia cho tất cả sinh viên tham gia Cuộc thi.

4.2. Cơ cấu giải thưởng Tập thể

- 01 Giải Nhất:             1.500.000đ + Giấy khen + cúp cờ lưu niệm
- 01 Giải Nhì:               1.200.000đ + Giấy khen + cúp cờ lưu niệm
- 01 Giải Ba:                   900.000đ + Giấy khen + cúp cờ lưu niệm
- 03 Giải Khuyến Khích: 300.000đ + Giấy khen
- Có danh sách công nhận tham gia cho tất cả sinh viên tham gia Cuộc thi.
Hỗ trợ 03 đội làm clip tuyên truyền 500.000đ/đội.

5. QUYỀN LỢI THAM GIA:

5.1. Được xét hoàn thành tiêu chí đạt thêm trong tiêu chuẩn "Đạo đức tốt" của phong trào "Sinh viên 5 tốt".

5.2. Cộng điểm rèn luyện học kỳ I, năm học 2024-2025 vào Điều 8. mục Tích cực tham gia hỗ trợ các hoạt động, phong trào của cấp Khoa, sự kiện chung của nhà trường (8.c): 01 điểm.

Kế hoạch chi tiết xem tại đây & Hướng dẫn tham gia xem tại đây

Phòng Quản lý Khoa học
Trường Đại học Cần Thơ

Sau gần 7 năm (2015-2022) thực hiện Dự án nâng cấp từ nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản, Trường Đại học Cần Thơ đã cơ bản hoàn thành mục tiêu trở thành đại học xuất sắc, được quốc tế công nhận trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, môi trường và các lĩnh vực liên quan; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, gia tăng giá trị nông nghiệp và thủy sản, đóng góp thiết thực vào sự phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Tăng cường nghiên cứu khoa học

Ở vị trí trung tâm của ĐBSCL, Trường Đại học Cần Thơ có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của vùng. Sứ mệnh của Trường “là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ hàng đầu của quốc gia, có đóng góp hữu hiệu vào sự nghiệp đào tạo nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài và phát triển khoa học phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của vùng và của quốc gia”. Trường Đại học Cần Thơ hướng đến tầm nhìn “trở thành một trong những trường hàng đầu về chất lượng của Việt Nam và nằm trong nhóm các trường mạnh về đào tạo, nghiên cứu khoa học được ghi nhận trong khu vực và thế giới”. Từ năm 2015, Trường đã tích cực triển khai Dự án nâng cấp Trường Đại học Cần Thơ giai đoạn 2015-2022 do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) hỗ trợ với sự phối hợp của 9 trường đại học đối tác từ Nhật Bản. Mục tiêu tổng quát của Dự án là nâng cấp Trường Đại học Cần Thơ thành trường đại học xuất sắc, đạt chuẩn quốc tế về nông nghiệp, thủy sản, môi trường và các lĩnh vực liên quan, nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL và cả nước. Qua 7 năm triển khai các hoạt động, Dự án đã đạt nhiều thành tựu to lớn trong việc tăng cường nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, làm căn cứ cho việc thực hiện giai đoạn tiếp theo, đồng thời là nền tảng quan trọng để Trường phát huy nguồn lực, tiếp tục phát triển và thực hiện sứ mệnh của mình trong phát triển ĐBSCL.

Trong bối cảnh mới với cơ hội, thách thức mới và định hướng chiến lược phát triển bền vững vùng ĐBSCL của Đảng, Chính phủ, Trường Đại học Cần Thơ đã và đang gắn kết với các đối tác trong và ngoài nước để thực hiện trách nhiệm xã hội như đã cam kết trong sứ mệnh, góp phần phát triển bền vững ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung thông qua việc triển khai 36 chương trình nghiên cứu điển hình (bảng 1).  

Bảng 1. Danh mục tổng thể 36 chương trình nghiên cứu trong Dự án nâng cấp Trường Đại học Cần Thơ từ ODA Nhật Bản

TT Chương trình nghiên cứu khoa học
I Lĩnh vực nông nghiệp
1 Thu thập, đánh giá và phát triển các nguồn tài nguyên thực vật (lúa, các cây trồng khác, cây làm thức ăn gia súc...)
2 Ứng dụng công nghệ di truyền, chọn giống và nuôi cấy tế bào trên các giống lúa mới và các giống cây trồng khác nhằm nâng cao chất lượng và khả năng thích nghi với biến đổi khí hậu và stress môi trường
3 Thu thập, đánh giá và phát triển các giống vật nuôi bản địa
4 Phát triển kỹ thuật quản lý cây trồng tổng hợp (ICP) để cải thiện chất lượng sản phẩm và khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu (ưu tiên cây lúa, đậu nành, bắp)
5 Nghiên cứu sử dụng đất bền vững 
6 Ứng dụng kỹ thuật phân tử phát hiện và nhận biết các tác nhân gây bệnh trên động vật ở ĐBSCL
7 Nghiên cứu và phát triển kỹ thuật sau thu hoạch cho những sản phẩm có nguồn gốc từ cây lúa, cây trồng và nông sản khác ở ĐBSCL
8 Phát triển thực phẩm giá trị gia tăng từ sản phẩm nông nghiệp và phụ phẩm nông nghiệp ở ĐBSCL 
9 Nghiên cứu những tác nhân gây bệnh trong thực phẩm và vi khuẩn kháng thuốc
10 Ứng dụng công nghệ di truyền và chọn giống trên các giống gia súc, gia cầm mới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng thích nghi với biến đổi khí hậu và stress môi trường
11 Nghiên cứu bệnh và côn trùng gây hại và phát triển các công nghệ bảo vệ thực vật
12 Nghiên cứu các phương pháp xử lý sinh học các nguồn đất có vấn đề ở ĐBSCL dưới tác động của biến đổi khí hậu
13 Cải thiện hệ thống chăn nuôi để nâng cao chất lượng và an toàn sản phẩm
14 Nghiên cứu vi sinh vật và phát triển nguồn dược liệu điều trị bệnh động vật
15 Máy nông nghiệp
16 Mô phỏng vật liệu với cấu trúc nano - ứng dụng trong nông nghiệp
II Lĩnh vực thủy sản
17 Biến đổi khí hậu: tác động và thích ứng trong nuôi trồng và khai thác thủy sản
18 Quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản
19 Phát triển công nghệ xanh trong nuôi trồng thủy sản
20 Cải tiến chất lượng sản phẩm khai thác và nuôi trồng
21 Nghiên cứu ứng dụng hóa sinh và hóa - dược trong nuôi trồng thủy sản
22 Quan trắc môi trường phục vụ nuôi trồng thủy sản và nghề cá
23 Phát triển và ứng dụng công nghệ kỹ thuật và công nghệ thông tin trong thủy sản
24 Kinh tế - xã hội và quản lý nghề cá
III Lĩnh vực môi trường
25 Nghiên cứu các kỹ thuật nhằm xử lý ô nhiễm đất, nước và không khí trong bối cảnh cụ thể của ĐBSCL
26 Nghiên cứu các thay đổi của hệ thống canh tác nhằm hỗ trợ giảm thiểu chất gây ô nhiễm thải ra môi trường (bao gồm cả khí nhà kính)
27 Giám sát nguồn tài nguyên nước và đất
28 Phân tích và mô hình hóa nguồn tài nguyên nước và đất
29 Đánh giá những thay đổi của biến đổi nông nghiệp - sinh thái bởi sự đe dọa của phát triển tại chỗ và biến đổi khí hậu
30 Phân tích hiệu quả kinh tế của việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên và các vấn đề về sử dụng và quản lý tài nguyên thiên nhiên
31 Nghiên cứu các chiến lược giảm thiểu các tác động của thiên tai đến nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và cấp nước (bao gồm cả các ngành công nghiệp và đô thị)
32 Nghiên cứu lập kế hoạch và cơ chế quản lý của khu vực nông thôn, thành thị và khu công nghiệp nhằm giảm thiểu chất gây ô nhiễm thải ra môi trường (bao gồm cả khí nhà kính)
33 Nghiên cứu các giải pháp để bảo vệ đa dạng sinh học hiện có và nguồn tài nguyên thiên nhiên
34 Nghiên cứu tính khả thi về kinh tế - xã hội của các giải pháp áp dụng giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động của biến đổi khí hậu
35 Nghiên cứu độ ổn định của các hệ thống canh tác khác nhau trong bối cảnh xuất hiện các sự kiện thời tiết khắc nghiệt và hủy hoại môi trường
36 Nghiên cứu các chiến lược áp dụng sử dụng bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên trong bối cảnh biến đổi khí hậu và hủy hoại môi trường

Gắn kết chuyển giao công nghệ

Chuyển giao KH&CN là một trong những nhiệm vụ quan trọng của các trường đại học, trong đó có Trường Đại học Cần Thơ. Hàng năm, Trường đã thực hiện hàng trăm đề tài/dự án/chương trình nghiên cứu khoa học (nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng) tạo ra kiến thức mới, quy trình công nghệ mới… giúp giải quyết nhiều vấn đề khó khăn còn tồn tại trong thực tiễn cũng như đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội. Để các quy trình công nghệ mới, bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích… đi vào thực tiễn, tạo ra giá trị phục vụ cộng đồng thì sự gắn kết, hợp tác và cùng phát triển của các bên liên quan (trường đại học - doanh nghiệp - chính quyền địa phương) là rất quan trọng, từ đó tạo môi trường gắn kết bền vững, phục vụ cộng đồng, thúc đẩy phát triển bền vững vùng ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung. Bảng 2 giới thiệu một số quy trình công nghệ mới của Trường có thể chuyển giao cho các địa phương, doanh nghiệp...

Bảng 2. Danh mục quy trình công nghệ mới có khả năng chuyển giao của Trường Đại học Cần Thơ

TT Quy trình công nghệ mới
1 Kỹ thuật sản xuất giống cá nâu (S. argus)
2 Kỹ thuật ương cá tra trong hệ thống tuần hoàn
3 Kỹ thuật ương ấu trùng tôm thẻ chân trắng (L. vannamei) theo công nghệ Bioflocs
4 Kỹ thuật ương ấu trùng tôm càng xanh (M. rosenbergii) theo công nghệ Bioflocs
5 Kỹ thuật ương ấu trùng tôm càng xanh (M. rosenbergii) xen canh trong ruộng lúa vùng nước lợ
6 Kỹ thuật nuôi tôm sú (P. monodon) trong ao quảng canh cải tiến kết hợp với rong câu chỉ (G. tenuistipitata)
7 Kỹ thuật nuôi cá trê trong hệ thống tuần hoàn
8 Kỹ thuật nuôi cá chim vây vàng (T. blochii) trong lồng biển
9 Quy trình cải thiện sinh trưởng giống cá trê vàng
10 Dòng chim cút chịu nhiệt
11 Sản phẩm sinh học có hoạt tính kháng khuẩn từ dịch trích thảo dược để kích thích tăng trưởng và phòng trị bệnh trên gà
12 Quy trình sản xuất chế phẩm probiotic ứng dụng trong chăn nuôi gia súc, gia cầm
13 Giống lúa chịu mặn cho vùng ĐBSCL
14 Giống lúa chịu hạn ở giai đoạn sinh trưởng sinh dưỡng
15 Giống lúa chịu phèn
16 Quy trình ứng dụng than sinh học cải tạo đất nhiễm mặn
17 Quy trình sản xuất và ứng dụng than sinh học từ tre, tràm, lục bình, trấu để xử lý môi trường và giảm phát thải khí nhà kính vùng ĐBSCL
18 Hệ thống quan trắc tự động và cảnh báo môi trường nước

Hợp tác và phát triển

Với mục tiêu trở thành đơn vị thuộc nhóm các trường đại học hàng đầu khu vực châu Á và thế giới ở một số lĩnh vực vào năm 2025, nhiều năm qua, Trường Ðại học Cần Thơ đã không ngừng mở rộng hợp tác quốc tế. Bên cạnh phát huy các nguồn lực sẵn có, nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học...; thông qua các chương trình và dự án quốc tế, Trường đã đầu tư nâng cấp, phát triển cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, trang thiết bị, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật góp phần giải quyết những vấn đề đặt ra của ÐBSCL, đặc biệt là trong điều kiện biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng khó lường và hậu quả để lại rất nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, Trường đã xây dựng trung tâm thông tin, khai thác dữ liệu và hỗ trợ tư vấn ĐBSCL nhằm hỗ trợ công tác quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên và môi trường bền vững, cũng như đề xuất một số giải pháp ứng phó kịp thời với những biến cố môi trường, tự nhiên và biến đổi khí hậu. Đặc biệt, Trường Đại học Cần Thơ đã thành lập Diễn đàn phát triển bền vững vùng ĐBSCL tầm nhìn 2045 với các mục tiêu sau:

Một là, kết nối, cung cấp, chia sẻ thông tin về hiện trạng, tiềm năng, thách thức và đề xuất giải pháp phát triển các lĩnh vực trọng yếu của vùng ĐBSCL với các bên liên quan thông qua các Diễn đàn thường kỳ để làm cơ sở lý luận và thực tiễn hỗ trợ xây dựng các chủ trương, chiến lược và chính sách phát triển bền vững vùng ĐBSCL tầm nhìn đến năm 2045.

Hai là, tăng cường hợp tác giữa các bên liên quan để xây dựng và triển khai các chương trình/đề án/dự án nghiên cứu ứng dụng và triển khai, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường của vùng.

Ba là, phân tích, tổng hợp dữ liệu và thông tin; tương tác, chia sẻ thông tin và cung cấp tư vấn góp phần phát triển bền vững vùng ĐBSCL.

Hy vọng rằng, với nền tảng vững chắc, cùng với nguồn lực được đầu tư mạnh, Trường Đại học Cần Thơ sẽ phát huy mạnh mẽ vị trí, vai trò là nơi khởi nguồn các ý tưởng sáng tạo, mang sứ mệnh phụng sự xã hội thông qua việc đổi mới liên tục trong đào tạo và nghiên cứu khoa học, đóng góp thiết thực cho sự phát triển của vùng và đất nước./.

GS.TS. Hà Thanh Toàn
Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ

Phòng Quản lý Khoa học kính chuyển quý Thầy Cô giấy mời Tập huấn Hướng dẫn thủ tục đăng ký sở hữu trí tuệ và Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ do Sở KH&CN Tp Cần Thơ tổ chức.
 
Thời gian: 7g30 ngày 25/7/2018 (thứ 4)
Địa điểm: Khách sạn Cửu Long (Hội trường A1)
52 Quang Trung, Q. Ninh Kiều, Tp Cần Thơ
 
Nội dung: Hướng dẫn thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế/ giải pháp hữu ích và đề xuất chương trình, dự án hỗ trợ hoạt động SHTT, ĐMST Tp Cần Thơ đến 2020 (theo nội dung mail Phòng QLKH gửi ngày 19/6/2018).
 
Để thuận tiện cho công tác tổ chức, nhờ quý Thầy Cô xác nhận tham dự (họ tên, chức vụ, số điện thoại, email) trước ngày 24/7/2018
về Sở KH&CN Tp Cần Thơ: TT Hồng Ngọc, mail: tthngoc@cantho.gov.vn, ĐT: 0292.3829.632
hoặc về Phòng QLKH, Trường ĐHCT: LT Xuân An, mail: ltxan@ctu.edu.vn, DĐ: 0908.090.691.

Trân trọng thông báo./.

Phòng Quản lý Khoa học
Trường Đại học Cần Thơ

Ngày 28/09/2017, Cục Sở hữu trí tuệ ra Quyết định số 3262/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00058 cho sản phẩm cà phê “Sơn La” nổi tiếng. Sở Khoa học và Công nghệ Sơn La là Tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.

Sơn La là tỉnh trồng cà phê Arabica lớn thứ hai của Việt Nam. Cây cà phê “Sơn La” có nguồn gốc từ năm 1945, khi một người dân địa phương xin về trồng tại vườn nhà. Sự kiện đó đã được ghi chép lại tại cuốn sách “Sơn La với cà phê”. Nhờ đó, cây cà phê dần dần được phát triển, góp một phần giúp đồng bào dân tộc có thu nhập, từ bỏ lối sống du canh, du cư. Quy trình sản xuất cà phê tại đây đã đi vào đời sống và tập quán sinh hoạt của người dân địa phương. Trải qua hơn 70 năm hình thành, phát triển đến nay cà phê Sơn La trở thành một đặc sản của Sơn La và từng bước khẳng định vị trí vững chắc trên thị trường.

Cà phê Sơn La

 

Cà phê “Sơn La” được sản xuất từ giống cà phê Arabica, bao gồm các sản phẩm là cà phê nhân, cà phê hạt rang và cà phê bột. Cà phê nhân có dáng hạt dài, kích thước hạt lớn hơn 4,75mm, hàm lượng cafein từ 0,8% đến 1,28%, hàm lượng protein thô từ 10,5% đến 15%, hàm lượng đường từ 6,8% đến 9,2%. Cà phê hạt rang và cà phê bột màu nâu, thơm tự nhiên, đặc trưng của mùi cà phê tự nhiên, không có mùi lạ. Hàm lượng cafein của cà phê hạt rang và cà phê bột từ 1,0% đến 1,6%, hàm lượng chất tan trong nước từ 29% đến 36%, hàm lượng protein thô từ 11,6% đến 13,2%. Nước cà phê “Sơn La” khi pha có nàu nâu cánh gián, trong và có vị chua thanh, đắng nhẹ, hậu vị lâu. Vị ngọt và hương trái cây cũng tạo nên đặc trưng của cà phê “Sơn La” được nhiều người tiêu dùng biết đến.

 Sản phẩm cà phê Sơn La

 

Cà phê “Sơn La” có được đặc thù và danh tiếng như vậy là nhờ địa hình, đất đai, khí hậu của khu vực địa lý thích hợp với giống cà phê Arabica và đặc biệt là kinh nghiệm gắn với phong tục tập quán trong quá trình sản xuất của người dân địa phương.

Khu vực địa lý là vùng núi cao, dốc và có kiến trúc địa hình rất phức tạp, có hệ thống núi bao quanh các bồn địa, các cao nguyên, có độ cao từ 600 – 800 mét so với mực nước biển. Mặc dù, khu vực địa lý ở độ cao chưa đạt lý tưởng, tuy nhiên Sơn La lại nằm ở vĩ độ khá cao, từ 20o39’ - 22o02’ vĩ độ Bắc, hai yếu tố này bổ trợ cho nhau tạo thành điều kiện phù hợp cho cây cà phê Arabica sinh trưởng, phát triển và tạo ra chất lượng đặc thù của cà phê Sơn La. Đất trồng cà phê “Sơn La” chủ yếu là đất Feralit điển hình, bao gồm các loại đất như đất nâu đỏ trên đá macma bazơ và trung tính, đất nâu đỏ trên đá vôi, đất đỏ vàng trên đá sét và đá biến chất, có tầng dày trên 70 - 100cm, pHKCL từ 4,5 - 6. Đây là vùng đất tơi xốp, giàu dinh dưỡng, thấm nước nhanh, giữ ẩm tốt. Khí hậu Sơn La chia thành hai mùa rõ rệt, mùa hè từ tháng Tư đến tháng Chín, mùa đông từ tháng Mười đến tháng Ba năm sau. Điều kiện mưa nhiều vào mùa hè giúp cho cà phê phát triển, ra hoa và tạo quả tốt. Nhiệt độ trung bình của khu vực địa lý từ 16 - 27oC. Biên độ dao động nhiệt độ ngày đêm từ 10 - 15oC. Lượng mưa trung bình trong năm từ 1.200 - 1.600 mm, tập trung từ tháng Bảy đến tháng Chín. Độ ẩm trung bình trong  năm từ 80 - 82%.

Bên cạnh điều kiện địa hình, đất đai và khí hậu của khu vực địa lý đã tạo nên đặc thù của cà phê “Sơn La”, nhờ kinh nghiệm được tích lũy lâu đời của những người dân địa phương như chọn giống có chất lượng, chọn đất trồng đến quá trình chăm sóc, thu hoạch cũng làm tăng chất lượng của cà phê “Sơn La”. Người dân chọn đất có độ dốc từ 0 - 150, độ xốp trên 60%, đất dễ thoát nước, tầng đất dày trên 70cm, mực nước ngầm sâu hơn 100cm, lớp đất mặt có hàm lượng mùn trên 2,5%, pHKCL 4,5 - 6. Trong quá trình chăm sóc người dân biết xới quanh gốc cây để tạo độ tơi xốp cho đất, dùng rác và cỏ tủ gốc cho cây, bón phân hoá học kết hợp với phân hữu cơ, biết cắt tỉa tạo hình cho cây cà phê để tạo ra một bộ tán có số lượng thân và cành phân bố đều trong không gian phù hợp, thông thoáng, tiếp nhận được nhiều ánh sáng mặt trời. Khi cây cà phê còn nhỏ, người dân còn chủ động trồng xen vào giữa hàng cây cà phê các cây ngắn ngày như đậu đỗ, lạc…, chủ động che bóng cho cây bằng cách trồng cây keo dậu, cây muống… với mật độ vừa phải, đảm bảo thông thoáng và khi thời tiết có sương muối người dân đã phun, tưới nước lên tán lá cho cây cà phê. Kinh nghiệm quan trọng nhất của người dân trong quá trình canh tác là thu hoạch sản phẩm, người dân Sơn La thu hái thủ công (bằng tay), thu hái quả chứ không tuốt cành, chỉ chọn quả chín để thu. Đây là kỹ thuật khác biệt so với các vùng cà phê khác, đặc thù của cây cà phê Sơn La là kích cỡ nhỏ, nên phương pháp thu hoạch này phù hợp với địa hình khá dốc của các vườn cà phê. Phương pháp chế biến ướt và phơi khô tự nhiên bằng ánh nắng mặt trời cũng là một yếu tố quan trọng đảm bảo chất lượng và sự đồng đều cho cà phê tại Sơn La. Mặc dù về công nghệ chế biến, người dân cũng sử dụng công nghệ chế biến ướt như các vùng sản xuất cà phê khác, nhưng cà phê được phơi khô hoàn toàn tự nhiên, do đó không chịu tác động cơ học của các yếu tố làm khô hạt cà phê.

Phương pháp chế biến ướt

 

Ngoài ra, người dân còn chủ động đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật vào quá trình sản xuất, góp phần tạo nên sản phẩm cà phê “Sơn La” có chất lượng, góp phần đưa sản phẩm cà phê “Sơn La” phát triển một cách bền vững và ngày càng được nhiều người biết đến.

Khu vực địa lý: xã Phổng Lái, xã Chiềng Pha, xã Phổng Lập, xã Chiềng Bôm, xã Nậm Lầu, xã Bon Phặng và xã Muổi Nọi thuộc huyện Thuận Châu; xã Chiềng Đen, xã Chiềng Cọ, xã Hua La, xã Chiềng Ngần, xã Chiềng Sinh thuộc thành phố Sơn La; xã Mường Chanh, xã Chiềng Ban, xã Chiềng Mung, xã Chiềng Chung, xã Chiềng Mai, xã Chiềng Dong, xã Chiềng Kheo và xã Phiên Pằn thuộc huyện Mai Sơn; xã Púng Bánh, xã Dồm Cang, xã Nậm Lạnh và xã Mường Và thuộc huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La.

Phòng Chỉ dẫn địa lý và Nhãn hiệu quốc tế

Cục Sở hữu trí tuệ

Thông báo

Tìm kiếm

PHÒNG QUẢN LÝ KHOA HỌC
Khu II, Trường Đại học Cần Thơ, đường 3/2, p. Xuân Khánh, q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Số điện thoại: 0292.3830 428; 0292.3872 175 - Fax: 0292.3838 474
Email: pqlkh@ctu.edu.vn